Các bà mẹ “phản pháo” về chuyện ru con ngày nay

0/5 (0) Bình chọn

Thứ sáu, 15/06/2018 11:06

Ngay sau khi bài viết Thời những bà mẹ không biết ru con? của tác giả Bùi Rửa Bát được đăng trên Dân trí đã có hàng trăm phản hồi gửi về tòa soạn, trong đó phần lớn là các bà mẹ thuộc thế hệ 8X và 9X.

 

Các bà mẹ trẻ cho rằng những gì tác giả Bùi Rửa Bát - bố Bống nhận định là thiếu thực tế và như thế là trách oan họ. Và có hay chăng mẹ Bống rơi vào nhóm ít những bà mẹ thời nay không biết ru con.

 

Là phụ nữ thế hệ 8x, nghe bài viết này tôi thấy hơi khiên cưỡng và buồn cười. Hỏi thử xem, bố Bống mà sống ở thành phố thì có biết gì vẻ đẹp ở miền quê không nhỉ? Nhưng như vậy không có nghĩa là các mẹ ở thành phố không biết hát ru. Bạn bè của tôi vẫn thường hát ru cho con và tôi cũng vậy. Không chỉ hát ru mà cũng còn mua đĩa hát ru về để hỗ trợ. Nhiều lúc con ngủ, mẹ tranh thủ nằm nghe các câu hát ru. Khi có con mới thấy hiểu và yêu hơn những lời hát ru đó. Chắc là có mỗi mẹ của Bống không biết hát nên bố Bống mới suy ra như vậy.

 

Tôi đồng ý với nhiều chị em, tại sao bố Bống không hát ru cho Bống và cho mẹ Bống nghe. Biết đâu, mẹ Bống sẽ thích và có kinh nghiệm hơn trong lần sinh em Bống sau này. Chúc bố Bống tìm thấy lời hát ru trong ngôi nhà của mình” - Hieu Minh - Nữ - 27 tuổi - Từ Đồng Tháp.

 

"Cái cò... sung chát, đào chua/ Câu ca mẹ hát gió đưa về trời/ Con đi trọn kiếp con người/ Cũng không đi hết... mấy lời mẹ ru". Tôi đồng ý với tác giả bài viết rằng hát ru rất quan trọng với trẻ, là nguồn sữa nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ. Và ngày nay, cuộc sống vội vã ồn ào đã làm rất nhiều bà mẹ trẻ quên đi điều đó, mặc dù không hẳn là họ không biết hát ru. Tuy nhiên, không phải ai cũng như vậy. Tôi cũng là một người mẹ trẻ 8X, nhưng tôi chưa bao giờ quên ru con trước khi ngủ cả. Vì ru con ngủ cũng là để dạy con mà!” - Bùi Mai Anh - Nam - 33 tuổi - Từ Bà Rịa - Vũng Tàu.

 

Nghe bác nói mà thấy tự ái quá. Bi nhà em được 21 tháng, ngay từ khi lọt lòng Bi đã được nghe mẹ hát ru, mặc dù người mẹ không mùi mồ hôi nồng mà mùi nước hoa trong phòng điều hòa. Chỉ khoảng 10 bài thôi, hát đi hát lại. Giờ Bi hay nghêu ngao hát những bài đó lắm dù vẫn còn ngọng. Biết là bác muốn gìn giữ truyền thống thôi, nhưng đọc tên bài nghe... động chạm quá” - MeBi - Nữ - 13 tuổi - Từ Nghệ An.

 

Ai bảo phụ nữ thời nay không biết ru con. Tôi 9x mà còn biết nữa là. Phụ nữ tuy bận trăm công nghìn việc nhưng vẫn ru con ngủ đấy chứ (dù cách ru đó không phải cách ru con truyền thống của phụ nữ thế hệ 5x). Tôi nghĩ người phụ nữ trong thời đại hiện đại bây giờ ngoài việc ru con ra còn cần rất nhiều thời để làm những việc khác. Nói như người viết bài báo này thì đến khi nào người phụ nữ mới đứng lên khẳng định được chính mình? Phải nhớ rằng phụ nữ bây giờ và ngày trước khác nhau rất nhiều” - Ngoc8690 - Nữ - 25 tuổi - Từ Hà Nội

 

Có thể bài viết đúng ở một vài khía cạnh. Nhưng cho tôi được dùng hai từ "đòi hỏi" với người viết, bởi vì như một chị đã comment ở trên, phụ nữ ngày nay bận rộn và đó là guồng quay của sự phát triển.

 

Thời xưa phụ nữ sống chủ yếu ở nông thôn, chồng là người chủ đạo gia đình. Hoàn cảnh hiện đại buộc phụ nữ phải thay đổi đôi chút, tôi cho đó là lẽ tất nhiên. Việc một bà mẹ hiện đại biết ru cũng có thể gọi là nét đẹp được đánh giá cao, chứ không nên lấy đó làm tiêu chuẩn thiết yếu. Cũng như việc để tóc dài vậy, tại sao chưa có ai kêu ca rằng: phụ nữ thời nay tóc ngắn hơn trước, hoặc vàng hơn trước? Thay vì ru những bài "đầy uẩn ức" như những bài ngày xưa, tôi nghĩ các bà mẹ hiện đại cũng có thể hát cho con những đoạn ngắn các bài thiếu nhi nhẹ nhàng, các tác phẩm hiện đại. Có lẽ tác giả là người quá hoài cổ?” - Nhung - Nữ - 27 tuổi - Từ Hà Nội
 

Bên cạnh những bài hát ru xưa, các mẹ giờ còn cải thiện "bữa ăn tâm hồn" cho con bằng những câu chuyện những bài hát thiếu nhi nhẹ nhàng. (nguồn ảnh: internet)

 

Tuy nhiên cũng có một số ít chị em phụ nữ đã dũng cảm thừa nhận mình đang rơi vào "Top" những bà mẹ trẻ tương lai không biết hát ru con như phan huyền - Nữ - 31 tuổi - Từ Tp.Hồ Chí Minh viết:

 

Mình là sinh viên chưa có gia đình, nhưng mình cũng đang lo đây vì sau này mình trở thành một bà mẹ không biết ru con. Mình không biết hát, mình hát dở lắm, mình đã cố tập luyện mà không được. Chắc là mình phải kiếm ông chồng biết ru con” .

 

Không chỉ có các mẹ, các bố cũng tranh luận sôi nổi đề tài này. Chúng ta hãy cũng xem các ông bố nói gì nhé!

 

“Các bà mẹ bây giờ ru con chỉ được vài từ thôi à. Tác giả nói đúng đấy. Bây giờ các mẹ ru con ngủ 15 phút mà bé không ngủ là: "Ngủ đi không ngáo ộp đến bắt bây giờ"". Nhà mình toàn mình ru con ngủ. Em dâu mình là giáo viên mầm non mà còn "Mày có ngủ không không, tao đánh đít bây giờ"". Mệt lắm. Mình hát những bài hát xưa của các cụ. Chốt lại khi bé sắp ngủ là bài "" Bé ơi ngủ đi, đêm đã khuya rồi......."". Bé sẽ ngủ ngon lắm” - Lê Tất Thắng - Nam - 28 tuổi - Từ Bắc Giang

 

 Vẫn có những lời ru của những người mẹ, người vợ và của bà dành cho những đứa bé, chứ không hẳn như bố Bống nói đâu. Mình về quê vẫn nghe đâu đó trên những đường làng lời ru ầu ơ được cất lên. Chúc cho những người phụ nữ hiện đại vẫn giữ vững được truyền thống xưa kia” - huyhoang - Nam - 33 tuổi - Từ Bà Rịa - Vũng Tàu

 

Sao toàn thấy người biết ru con ý kiến ý cò thế nhỉ? mấy chị không biết ru con đâu cả rồi? ra đây ý kiến đi nào! Mình thấy chị em biết ru con có vẻ bức xúc quá mà quên mất ý nói của chủ nhà "hình như các bà mẹ thời nay không biết ru con?". Mình thì thấy anh Bát nói vậy cũng phải thôi. Không phải tất cả nhưng hầu hết các bà mẹ trẻ mình gặp đều ru con theo cách như anh Bát nói hoặc nếu không thì cũng nhờ ... bé Xuân Mai ru hộ!!! Bản thân mình cũng phải ru con nhiều vì ... vợ không biết ru con. Lúc đầu hát cũng thấy ngượng ngập, khó hát vì chưa quen làn điệu, nhưng hát nhiều thành quen, giờ ru bé lại thích. Tối tối vợ mình đi ngủ trước còn mình bế bé - ru cho bé ngủ - vừa ru vừa ngắm con ngủ thấy cũng vui vui. Các bà mẹ trẻ đừng ngại vì chưa biết hát ru. Chưa biết thì phải tập, hát nhiều rồi mới thành quen chứ” - Nam- 33 tuổi - Từ Bà Rịa - Vũng Tàu

 

 “Tôi rất đồng tình với tác giả bài viết này và tôi cho rằng không phải tất cả mà hầu hết phụ nữ thời nay không biết ru con. Ngày xưa thế hệ chúng tôi sinh ra hầu hết là từ những miền quê nghèo khó, đời sống người dân vất vả lam lũ, trẻ con sinh ra cũng vất vả hơn bây giờ và những lời ru của bà, của mẹ chan chứa nỗi thương yêu con cái.

 

Bây giờ ngay cả khi sống ở khu tập thể rất nhiều trẻ em mới sinh nhưng không bao giờ được nghe những lời ru tha thiết như ngày xưa. Những ngày nghỉ tôi cũng thường hay về vùng nông thôn quê tôi, nhưng cũng không bao giờ được nghe những tiếng ru tha thiết giữa trưa hè. Đó hoàn toàn là sự thật và nếu hãn hữu lắm có thấy một bà mẹ trẻ nào ru con thì chỉ là hát những bài hát của giới trẻ bây giờ đang thịnh hành.

 

Nhiều khi nhớ những lời ru của bà, của mẹ ngày xưa, tôi lại phải thầm ru một mình "Bồng bồng con nín con ơi/ Dưới sông con cá lội, ở trên trời chim bay/ Ước gì mẹ có mười tay/ Tay kia bắt cá, còn tay này bắn chim/ Một tay chuốt chỉ luồn kim/ Một tay đi làm ruộng, một tay tìm hái rau/ Một tay ôm ấp con đau/ Một tay đi vay gạo, một tay cầu cúng ma/ Một tay khung củi, muối dưa/ Còn tay để van lạy, để bẩm thưa đỡ đòn/ Tay nào để giữ lấy con/ Tay nào lau nước mắt, mẹ vẫn còn thiếu tay/ Bồng bồng con ngủ con say/ Dưới sông cá vẫn lội, chim vẫn bay trên trời” - Hữu Nghị - Nam - 33 tuổi - Từ Bà Rịa - Vũng Tàu

 

“Mình ủng hộ tác giả. Tuy nhiên, tôi là ông bố có 2 con nhỏ, và đứa nào tôi cũng ru chúng từ khi lọt lòng, đến khi... chúng đi học. Thực sự, nếu ai đã ru con mới thấy tình cảm thiêng liêng của cha/mẹ dành cho con. Bởi khi ru, ta được ôm con vào lòng, vỗ về, nựng con. Khi con "gà gà" mới thấy cực kỳ đáng yêu. Và lúc đó mới biết những đứa trẻ không được ai ru mới thiệt thòi làm sao.

 

Tôi thường ru con bằng những câu ca dao, bài thơ lục bát, Truyện Kiều, thơ Tố Hữu... Hoặc hát những bài hát cho con nghe. Đến giờ, đứa lớn nhà tôi đã học lớp 3, nhưng đôi khi vẫn thích bố nằm bên ru cho ngủ. Thậm chí nó thuộc hết những bài mà tôi đã từng ru và tôi thường "ru theo yêu cầu" của cháu. Các ông bố, bà mẹ rất nên dành chút thời gian, không phải học đâu, ê a ngâm nga vài câu thơ mình thuộc, vài câu hát phổ biến để ru cho con. Thiêng liêng lắm!!!” - Minh Dương - Nữ - 22 tuổi - Từ Thanh Hóa

 

Là phụ nữ và cũng là bà mẹ hai con, người viết hiểu được tâm trạng của chị em khi bị chạm vào lòng tự tôn. Đã là mẹ thì ai cũng thương và muốn dành cho con những điều tốt đẹp, nhưng không phải ai cũng có cách thể hiện giống nhau. Không phải ai cũng hát ru con bằng những câu ca dao xưa, mà thay vào đó các mẹ có thể kể chuyện, tâm tình cũng như hát cho con những bài hát thiếu nhi để ru con ngủ như ý kiến của bạn Linh Tran - Nữ - 32 tuổi - Từ Tp.Hồ Chí Minh:  

 

Tại sao phải hát ru? Những lời ru như là những lời nói hộ của nỗi lòng người mẹ buồn đau trong chuyện làm dâu, làm vợ ngày xưa: "Chim đa đa đậu nhánh đa đa/ Chồng gần không lấy, đi lấy chồng xa/ Một mai cha yếu mẹ già/ Chén cơm đôi đũa, bộ kỷ trà ai dâng...."

 

Tôi không ru con mình như vậy, tôi không ở trong hoàn cảnh đó, tôi hát sẽ không hay. Mà những lời buồn bã như vậy, hát cho con nít nghe có tội nó không? người Việt mình quen cái kiểu buồn bực gì thì về kể cho con nghe, hoặc lôi con ra trút giận. Thấy thương tụi nhỏ.

 

Tôi thuộc rất nhiều bài hát ru, nhưng tôi không ru con ngủ theo kiểu đó. Con tôi đúng giờ là phải vào giường nằm, tôi đọc truyện thiếu nhi cho con nghe, hát bài 3 Ngọn Nến Lung Linh. Sau đó hôn con, chúc con ngủ ngon rồi thì con tự ngủ. Khỏe mẹ, khỏe cả con. Tôi hát cho con nghe những bài trẻ con, để tâm hồn nó vui vẻ. Con khỏe mạnh thì gia đình mới hạnh phúc. Đừng nên cứ cái gì cũng đem cảm giác mình ra rồi tiếc nuối và so sánh”.

 

Hay phân tích của DUC HIEN - Nữ - 25 tuổi - Từ Hà Nội:  

 

Tôi là một người chuẩn bị được làm mẹ, cũng xin có vài điều muốn chia sẻ. Thế hệ chúng ta đang sống trong một xã hội phát triển rất nhanh chóng,vì vậy thời gian và tiền bạc đang đè nặng lên vai mỗi người. Hơn nữa thị hiếu âm nhạc hiện nay cũng rất đa dạng không đơn thuần là âm nhạc mang âm hưởng dân ca và truyền thống như trước nữa. Chỉ có một bộ phận những người thích dòng nhạc đó.
 
Chúng ta biết những lời ru ngày trước hầu hết là mang tính dân ca dễ nghe, dễ thuộc và dễ truyền miệng, nên nó nhanh chóng lan rộng và phổ biến. Nhưng bây giờ thì không thể bởi vì giới trẻ có quá nhiều lựa chọn. Đó chỉ là một vài lý do khiến cho những lời ru không còn nhiều trong xã hội hiện tại, nhưng cũng không thể phủ nhận là không có.
 
Chúng ta nên giữ gìn nó như một nét đẹp văn hóa của người VIỆT để cho các thế hệ sau, bên cạnh những làn gió mới của âm nhạc vẫn được nghe những lời ầu ơ của mẹ. Môt điều nữa là trong cuộc sống gia đình bố mẹ phải biết chia sẻ tình cảm và công việc để đứa trẻ sinh ra được nghe những làn điệu quê hương, được sống trong những hoàn cảnh tốt nhất. Chúc mọi người hạnh phúc!”

 

Để thay cho lời kết, chúng tôi xin mượn ý của bạn Pham Thi Len - Nữ - 28 tuổi - Từ Hà Nội:

 

Bài viết cũng như một lời nhắc nhở vậy. Có thể không đúng với tất cả các bà mẹ trẻ hiện nay, nhưng một bộ phận nhỏ các mẹ trẻ hiện đại ngày nay dường như bỏ qua điều đó. Vì cuộc sống ngày nay áp lực hơn, công việc ngoài xã hội chiếm nhiều thời gian hơn, họ có ông bà, hoặc ôsin lo cho khoản chăm con. Có lẽ vì thế mà họ quên mất một việc làm vô cùng thiêng liêng: "Ru con".
 
Nhưng cũng có những người thực sự không biết ru con là gì. Tôi có một người quen, mới sinh bé được khoảng 4 tháng mà chưa bao giờ hát ru con, lại bật máy vi tính lên để nó "hát" ru bé ngủ. Thật đáng buồn. Tôi thuộc thế hệ 8X, nhưng tôi thuộc và hát rất nhiều bài hát ru cho con mình. Hát những câu dân ca, những bài ca quan họ, hay đôi khi luyến láy cho có nhịp những câu chuyện ngụ ngôn, hay sưu tập và hát những bài hát ru con khắp 3 miền để hát ru con ngủ.
 
Đôi khi chỉ là những câu "ầu ơ" hay "à í à ơi" thôi, nhưng những lời ru đó thật sự ấm áp và là sợi dây kết nối mẹ - con. Không còn gì hạnh phúc hơn khi được hát ru con ngủ. Những người mẹ hiện đại ngày nay hãy đừng bỏ qua điều tuyệt vời đó. Đừng lấy đi thế giới lời ru thiêng liêng của con mình!”.
Mẹ Cu Mít
TAGS:

Chủ đề HOT

Có thể bạn thích

Gợi ý bạn đọc

Chuyên Mục