5/5 (1) Bình chọn
Thời kỳ ăn dặm là giai đoạn vàng trong quá trình phát triển của trẻ, tạo nền móng vững chắc cho sức khỏe và trí tuệ của trẻ. Chính vì thế đây là giai đoạn cần mẹ quan tâm nhất và chịu khó khăn vất vả nhất. Mẹ hãy đọc bài viết sau để tránh đi những sai lầm trong giai đoạn vàng này nhé!
“Đóng khung” bữa ăn của trẻ
Khi tập cho trẻ ăn dặm, nhiều mẹ lựa chọn bột ăn dặm trẻ em và “trung thành” với nó trong suốt quá trình ăn dặm của con. Việc này sẽ gây “đóng khung” bữa ăn của trẻ này gây nên hậu quả là con biếng ăn suốt những tháng tiếp theo.
Trong bột ăn dặm thường có chứa đường và gia vị, khiến khẩu vị của trẻ bị ảnh hưởng, quen với vị của bột ăn dặm mà không thích các vị khác nữa. Chính vì vậy trẻ sẽ có xu hướng bài xích các thức ăn dặm khác như cháo hầm nhừ, gây nên tình trạng là trẻ ngán món cũ nhưng không thích món mới, dẫn tới hệ quả tất yếu là trẻ biếng ăn.
Dùng bột ăn dặm thường xuyên khiến vị giác trẻ bị ảnh hưởng
Nếu trẻ đang bắt đầu tập ăn dặm thì mẹ không nên cho trẻ ăn bột ăn dặm quá thường xuyên mà hãy thử cháo hầm nhừ từ loãng đến đặc, khi trẻ lớn hơn mẹ có thể thêm vào các món khác như cơm nát, mì, nui… để thay đổi khẩu vị cho trẻ. Mẹ cũng nhớ bổ sung thêm rau, củ, quả và chất đạm để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho con nhé.
Tập cho trẻ ăn dặm quá sớm
Có rất nhiều mẹ tập cho trẻ ăn dặm quá sớm (trước 6 tháng tuổi) với quan niệm trẻ ăn được sớm sẽ cứng cáp (?). Việc ăn dặm quá sớm khi hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện khiến trẻ lâm vào cảnh “lợi bất cập hại”.
Lúc này, men tiêu hóa của trẻ chưa đủ để tiêu hóa thức ăn, hấp thu các chất dinh dưỡng, sẽ gây cho trẻ cảm giác khó chịu khi ăn và tiêu hóa, dẫn tới biếng ăn, khiến cho trẻ xao lãng bữa ăn.
Nhiều mẹ khi cho con ăn thường lấy tivi, smartphone hay đưa trẻ đi rông để “dụ dỗ” trẻ chịu ăn. Thói quen này sẽ khiến trẻ quen với những vật dụng hoặc hành vi thiếu lành mạnh trong bữa ăn, dẫn tới “chống đối”, không chịu ăn khi không được cho xem tivi hay đi chơi nữa.
Chưa kể, thói quen này còn khiến hệ tiêu hóa của trẻ bị yếu đi, men tiêu hóa tiết ra ít làm không hấp thu được hết dưỡng chất trong thức ăn, khiến trẻ dễ mắc các vấn đề về tiêu hóa và hệ miễn dịch, thậm chí ảnh hưởng tới quá trình phát triển của trẻ.
Không hiểu khẩu vị của trẻ
Mỗi trẻ khác nhau lại có một khẩu vị khác nhau. Có những trẻ thích ăn món mềm để đỡ phải nhai, không dính răng, có những trẻ lại thích các món cứng để “gặm” cho đỡ ngứa lợi. Chính vì vậy, nhiều mẹ khi áp dụng các công thức nấu ăn quá cứng nhắc hay các thực đơn theo độ tuổi một cách máy móc thì lại gây ra hiện tượng trẻ biếng ăn do không tôn trọng khẩu vị của trẻ.
Có nhiều trẻ khi tập nhai lại muốn “gặm” cho đỡ ngứa lợi
Điều quan trọng nhất khi cho trẻ ăn dặm, đó là không nên ép buộc trẻ mà hãy cho trẻ ăn theo đúng khả năng nhai, nuốt và sở thích. Khi mẹ đã tìm ra khẩu vị của con, hãy tôn trọng khả năng và dấu hiệu no, đói của con để xây dựng một thực đơn thích hợp, đảm bảo dưỡng chất để trẻ phát triển khỏe mạnh.
Không cho trẻ ăn cùng gia đình
Rất nhiều mẹ cho rằng không nên để trẻ làm phiền đến bữa ăn của cả gia đình vì sợ trẻ nghịch, phá thức ăn. Dẫn tới việc mẹ sắp xếp thời gian bữa ăn của trẻ sớm hơn hoặc muộn hơn giờ ăn của gia đình. Đây là một quan niệm hết sức sai lầm.
Trẻ con vốn dĩ rất thích bắt chước người lớn, vì vậy trẻ sẽ ăn ngon hơn nếu thấy mọi người trong gia đình ai cũng ăn uống ngon lành. Cho trẻ ăn chung cùng gia đình cũng giúp trẻ học tập các kĩ năng ăn uống tốt hơn, tình cảm gia đình cũng được gắn kết. Chính vì vậy nếu trẻ đã được 1 tuổi, mẹ hãy kết hợp giờ ăn dặm của trẻ cùng với bữa cơm gia đình nhé!
Cùng Hatru.net tìm hiểu thêm về các nguyên tắc ăn dặm đúng cách cho bé yêu của bạn nhé!
Copyright 2008 - 2016 Liên hệ