0/5 (0) Bình chọn
Những “vũ khí” của người lớn giúp trẻ luôn vui vẻ
Ở độ tuổi 4-6 tuổi, trẻ thường thấy hứng thú với tất cả mọi thứ xung quanh mình. Vừa chơi vừa học, tôn trọng bé và bày những trò nghịch ngợm cùng con - những bí mật sau đây sẽ giúp mẹ và bé luôn gắn kết, không khí luôn vui vẻ, mẹ nhớ áp dụng nhé!
Đóng vai làm giáo viên
Vào độ tuổi này, trẻ thích những môn khoa học hơn. Trẻ sẽ có những thắc mắc về cơ thể cũng như thích khám phá vương quốc các loài vật. “Nếu con bạn mang về nhà một con sâu và nghiên cứu nó, đừng ngạc nhiên! Bạn hãy tham gia trò chuyện cùng bé”, tiến sĩ Charlotte Reznick – chuyên gia giáo dục trẻ em ở Los Angeles cho biết.
“Thay vì chơi những trò chơi vô nghĩa, bạn hãy nói với con về cách hình thành các tế bào thần kinh, về chiếc cổ của chúng ta và tầm quan trọng của nó. Hãy tạo ra những hoạt động ở nhà và cha mẹ giữ vai trò làm giáo viên cho bé”, Raznick cho biết. Tiến sĩ cũng khuyên các ông bố bà mẹ nên khéo léo kết hợp những bài học thú vị khuyên can bé sau những kiến thức thông thường. Ví dụ như, mẹ sẽ giải thích với bé tình trạng ợ hơi là do những thức ăn tạo nhiều khí gas trong dạ dày gây ra (đậu chẳng hạn) và lý giải chính vì điều này mà mẹ không cho bé ăn nhiều đậu vào buổi tối.
Giả vờ bạn không quan tâm
Trẻ thường có xu hướng muốn tạo sự chú ý nơi người lớn với những hành động của mình. Nếu bạn phản ứng lại, trẻ càng làm quá lên. Vì vậy, Reznick khuyên rằng bạn nên phớt lờ những cử chỉ xấu thu hút sự chú ý của trẻ. Chẳng hạn cậu em đang chơi bảng chữ cái và thấy mẹ là khóc lóc, ngậm bảng chữ cái hoặc có những hành động tạo sự chú ý. Khi ấy, bạn đang nghe cô chị trình bày vấn đề nào đó, hãy phớt lờ cậu em và tự nhiên thoải mái nói chuyện cùng cô chị. Trò la hét, ném đồ chơi tạo chú ý cũng sẽ nhanh chóng bị dẹp bỏ bởi không phát huy được tác dụng.
Cho con không gian riêng
Nếu bạn tình cờ nghe được cuộc chuyện trò của con cùng cô bạn hàng xóm về những chủ đề như: chó, mèo, tại sao con cua nhiều càng,… Những lý giải của trẻ có thể sẽ sai bét nhè và không khoa học chút nào nhưng bạn cần nhớ: “đừng làm phiền trẻ!”. Đây là lời khuyên của chuyên gia nghiên cứu hành vi trẻ em Brown Braun, Los Angeles, Mỹ.
“Trẻ không làm phiền gì đến bạn và bạn cũng cần cho trẻ không gian riêng sống với những người bạn của mình. Những kiến thức khoa học sẽ được chỉnh vào một thời điểm khác, khi trẻ về nhà, khi mẹ trò chuyện cùng trẻ… nhưng tuyệt đối, không can thiệp vào lúc trẻ chơi với bạn. Trẻ tương tác với những trẻ khác sẽ giúp phát triển tư duy hơn, tăng cường sự yêu thích và niềm đam mê khám phá”, Braun cho biết.
Khám phá tủ lạnh
Nếu bé nhà bạn thích thú với việc nặn đất sét, tạo ra những hình thù ngộ nghĩnh; hãy giúp trẻ phát triển xúc giác hơn nữa bằng cách “tấn công” vào nhà bếp, khám phá tủ lạnh.
Hãy cho trẻ gia nhập công cuộc làm bánh cùng mẹ. Mở tủ lạnh và nhờ trẻ lấy ra những nguyên liệu làm bánh. Nhiều bà mẹ vẫn hay xua đuổi con ra khỏi khu vực bếp núc vì sợ vướng tay hoặc con bị bỏng, nguy hiểm… Vì vậy, nhiều bé không thấy bếp là nơi gần gũi và học được gì trong khi có bao điều tò mò muốn biết.
Mẹ háy biến nhà bếp thành nơi giúp bé học hỏi được nhiều và tủ lạnh cũng là kho khám phá vô cùng thú vị. Hai mẹ con có thể là làm vỏ bánh pizza hoặc nặn bột làm những loại bánh khác. Cả hai sẽ cùng làm những vật như: “chiếc cốc xinh xắn” với chocolate, những chiếc bánh hình các ngón tay, bánh nặn hình con vật… Vừa làm, mẹ vừa trao đổi trò chuyện cùng bé, đặt ra những câu đố giúp bé suy nghĩ. Việc vào bếp như thế này là cách vừa chơi vừa học khá hiệu quả.
Sạch và bẩn
Nếu bé không rửa tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh, hãy cảnh báo trẻ rằng “cơ thể con là ngôi nhà trú ngụ cho vi khuẩn, virus, mầm bệnh sinh sôi nảy nở. Chúng sẽ tấn công con và làm con mất đi sức khỏe”. Hãy dùng những hình vẽ hoạt hình để minh họa cho trẻ biết những mầm bệnh đi vào cơ thể trẻ, sự tiếp thu ở trẻ sẽ sinh động hơn. Bà mẹ nào cũng muốn con sạch sẽ nên không cho trẻ nghịch bùn đất. Thật ra, bạn vẫn có thể cho trẻ chơi một chút với đất sét và thêm chút nước cho mềm để trẻ tha hồ sáng tạo. Trẻ có thể nặn bất cứ thứ gì trẻ thích – con vật, đồ chơi… Điều quan trọng, mẹ cần cắt móng tay trẻ ngắn để không là nơi nhét bùn đất. Ngoài ra, khi trẻ chơi xong, đừng quên dặn trẻ rửa tay, vệ sinh cho thật sạch.
Phát huy sáng tạo
Hầu hết trẻ em độ tuổi này đều thích được nghịch ngợm với sơn hoặc màu nước. Hãy cho trẻ thoải mái nghịch phá bởi chúng giúp trẻ phát huy khả năng sáng tạo cũng như nhận biết màu sắc khá tốt. Đừng sợ con làm hỏng bộ quần áo đang mặc, không nên lo lắng quá vì trẻ làm rơi vãi ra sàn nhà… Hãy cho trẻ phát huy sáng tạo của mình và sau đó, bạn lau sạch, hướng dẫn trẻ lần sau chơi chú ý hơn, gọn gang hơn. Nhiều ông bố còn sẵn sàng cho con gia nhập công cuộc làm vườn, kể cả sơn những thanh hàng rào nữa đấy!
Hy vọng những gợi ý trên đây của hatru.net sẽ giúp bé nhà bạn luôn vui vẻ!
Copyright 2008 - 2016 Liên hệ