Hát ru - Viên ngọc quý trong kho tàng văn nghệ dân gian

0/5 (0) Bình chọn

Thứ sáu, 05/06/2020 10:06

Hát ru là một loại hình dân ca mang bản sắc văn hóa đặc trưng có từ lâu đời của dân tộc Việt Nam. Từ bao đời nay, các bà mẹ Việt Nam thường ru con ngủ trên những chiếc nôi, chiếc võng với những ca từ mộc mạc, đời thường được lưu truyền qua bao thế hệ bằng hình thức truyền miệng.

 

Mỗi vùng đất có những lời ru khác nhau nhưng điểm chung của thể loại dân ca này là tiết tấu nhẹ nhàng, sâu lắng, thiết tha, lời ca mộc mạc, giàu hình tượng... mô tả một thế giới nhỏ bé mà vô cùng: Thế giới của con và mẹ. Tất cả những yếu tố ấy đã tạo nên nét độc đáo riêng có của người Việt để rồi mỗi lời ru được ví như một bài học làm người, góp phần hình thành, nuôi dưỡng và phát huy nhân cách, năng khiếu tâm hồn, thái độ ứng xử của con người ngay từ khi còn thơ bé.

 

Theo các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian, trong các loại hình dân ca, hát ru ra đời sớm nhất. Đó là những bài hát nhẹ nhàng được lấy từ ca dao, đồng dao, trích từ các loại thơ... để giúp trẻ nhỏ dễ dàng đi vào giấc ngủ. Do vậy, những bài hát ru thường rất đa dạng và mang đậm bản sắc của từng địa phương.

 

Là cái nôi của loại hình văn nghệ dân gian đặc sắc, hát ru ở các làng quê Quảng Bình cũng có những đặc trưng riêng. Thông thường, các bà, các mẹ thường sử dụng những câu dân ca để ru cháu, con sớm đi vào giấc ngủ say nồng. Trải qua thời gian, lời ru vẫn được người dân bản xứ gìn giữ và và lưu truyền xem đó là nguồn cội, gốc rễ để dù có xa quê lập nghiệp xứ người vẫn còn nguyên bản chất của người dân quê nơi chôn rau cắt rốn.

 

Theo nhạc sĩ Dương Viết Chiến thì hát ru vùng đồng bằng tỉnh Quảng Bình nói chung thường dùng những câu lục bát và được bắt đầu bằng từ "à ơ..." ngân dài, nhỏ dần, rồi mới bắt vào hát hết câu 6, ngân dài chữ cuối câu; sau đó hát tiếp 4 từ đầu của câu 8 lại ngân dài sau đó hát tiếp 4 từ còn lại rồi ngân dài... Trong những lần ngân dài, thường người ru kéo dài âm cuối của từ ở chỗ ngắt câu hoặc thêm các từ ơ..., à... ngân dài. Có khi trong câu 6 người ta hát 2 từ đầu câu, rồi ngân dài, sau đó mới hát tiếp 4 từ còn lại của câu 6. Hoặc có người chia câu hát thành 6 tiết nhạc để ru, mỗi tiết gồm 2 từ, ứng với 2 đến 4 hoặc 6 nốt nhạc (tuỳ theo khả năng luyến láy trong từng từ của người mẹ). Cũng có nhiều người mẹ (nói đúng hơn là nghệ nhân hát ru) rất nhạy cảm với thơ ca và âm nhạc đã hát ru con một cách linh hoạt tùy theo nhịp thơ của từng câu thơ lục bát. Khác với các loại hình văn nghệ dân gian khác, nội dung các bài ru thường là những câu ca dao giản dị, chất phác, không cầu kỳ ở ngôn từ nhưng chứa chất nhiều nỗi niềm, tâm sự phong phú. Có những câu hát mang tính giáo dục rất cao và không ít bài mang nặng nỗi niềm tâm sự của người ru. Nhìn chung, nhiều câu, nhiều bài hát ru nói về thiên nhiên, đất trời, công ơn cha mẹ, tình cảm mẹ con, anh em, khuyên nhủ về đạo lý...

 

Nói đến hát ru Quảng Bình không thể không nhắc đến hát ru làng biển Cảnh Dương với giai điệu độc đáo, không lẫn vào đâu được. Ở làng biển này, người ta không bắt đầu câu hát ru bằng “à ơi” mà bằng “hò hẻ hò hè, bôồng bôổng bôông bôông”, tiết tấu nhanh, không ngân nga. Nhiều người trong làng cho rằng, do Cảnh Dương là làng biển, cuộc sống của người dân gắn bó với biển, quanh năm nghe tiếng sóng vỗ bờ nên lời ru phải nhanh và mạnh hơn mới có thể át tiếng sóng vỗ để đứa bé nghe rõ từng lời hát trước khi đi vào giấc ngủ.

 

Tuổi thơ hẳn ai cũng từng nghe những lời ru êm ái của ông bà, cha mẹ rồi đến khi trưởng thành lại tự mình cất lên những khúc ca để ru con. Hình ảnh cha mẹ ru con, ông bà ru cháu, cả nhà quây quần bên cánh võng, vành nôi đã trở thành nét đẹp trong cuộc sống của các làng quê Việt Nam. Hát ru không đơn thuần là để giúp cho bé dễ ngủ, ngủ sâu bởi giai điệu nhẹ nhàng sâu lắng mà nội dung của từng câu hát còn chứa đựng tình yêu quê hương, đất nước, tình cảm gia đình, tình yêu thương giữa con người với con người. Thế nên, lời ru còn được ví như những “dưỡng chất” bằng tinh thần giúp trẻ phát triển trí tuệ và tâm hồn, là sợi dây tình cảm gắn bó giữa các thành viên trong một gia đình. Lời ru còn mang theo những tên làng, tên xã, phong tục tập quán, tín ngưỡng của người Việt và ẩn chứa những bài học tiền nhân truyền dạy cho hậu thế.

 

Tiếc rằng, trong cuộc sống hiện đại, nhiều gia đình trẻ đã không còn mặn mà với lời ru mà thay vào đó là những loại hình âm nhạc hiện đại được thu sẵn trong băng, đĩa... Và đó không chỉ là nỗi trăn trở của những người làm công tác văn hóa mà còn là nỗi lo của những nghệ nhân-những người nắm giữ tinh hoa của làng quê bởi với họ hát ru là một phần của nguồn cội, gốc rễ. Vì vậy, gìn giữ lời ru đang là vấn đề trở nên cần thiết hơn bao giờ hết bởi đây chính là viên ngọc quí trong kho tàng văn nghệ dân gian của mỗi vùng quê.

 

Mẹ Cu Mít
TAGS:

Chủ đề HOT

Có thể bạn thích

Gợi ý bạn đọc

Chuyên Mục