Các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO công nhận

0/5 (0) Bình chọn

Thứ bảy, 17/09/2022 12:09

      Các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO công nhận

 

1/ Nhã nhạc cung đình Huế:

 

Nhã nhạc cung đình Huế là thể loại nhạc của cung đình thời phong kiến, được biểu diễn vào các dịp lễ hội (vua đăng quang, băng hà, các lễ hội tôn nghiêm khác) trong năm của các triều đại nhà Nguyễn của Việt Nam. Nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào tháng 11 năm 2003. Theo đánh giá của UNESCO, "trong các thể loại nhạc cổ truyền ở Việt Nam, chỉ có Nhã nhạc đạt tới tầm vóc quốc gia". "Nhã nhạc đã được phát triển từ thế kỷ 13 ở Việt Nam đến thời nhà Nguyễn thì Nhã nhạc cung đình Huế đạt độ chín muồi và hoàn chỉnh nhất".

 

Về mặt lịch sử, Nhã nhạc cung đình Huế hôm nay đã có tuổi đời gần ngàn năm, từ lúc manh nha (được tạc trên bia đá ở thời Lý) định hình ở đời Trần, phát triển ở thời Lê (trong thời Lê có giai đoạn vua Lê không thích văn nghệ, coi nghệ sĩ là “xướng ca vô loài” nên các loại hình nghệ thuật dân tộc như tuồng, chèo, ca trù, Nhã nhạc bị mai một) và phát triển cao nhất ở thời Nguyễn rồi lại tàn tạ theo sự suy vong của triều đại này đầu (TK20).

 

Nhưng nghệ thuật dân tộc nào cũng bắt nguồn từ dân gian, do nhân dân lao động sáng tạo nên. Nhã nhạc cũng như tuồng từ dân gian vào cung đình rồi từ cung đình về lại dân gian. Âm nhạc triều Nguyễn lan toả khắp đất nước, vào tận Nam kỳ biến thành ca nhạc tài tử Nam bộ. ở cố đô Huế những nhạc công tan rã từ đội Nhã nhạc cung đình đã trở về hoà nhập vào dòng nhạc dân gian, cố gắng lưu giữ cái vốn quý của cha ông đã truyền dạy qua bao thế hệ nghệ nhân, để chờ ngày nhà nước phục hồi sẽ lại thăng hoa và nhã nhạc cung đình Huế lại được phục sinh trong sự nâng đỡ của cả nước và quốc tế.

 

2/Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên

 

Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên trải dài trên 5 tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Chủ thể của không gian văn hóa này gồm nhiều dân tộc khác nhau: Ê đê, Ba Na, Mạ, Lặc...

 

Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên bao gồm các yếu tố bộ phận sau: cồng chiêng, các bản nhạc tấu bằng cồng chiêng, những người chơi cồng chiêng, các lễ hội có sử dụng cồng chiêng (Lễ mừng lúa mới, Lễ cúng Bến nước...), những địa điểm tổ chức các lễ hội đó (nhà dài, nhà rông, nhà gươl, rẫy, bến nước, nhà mồ, các khu rừng cạnh các buôn làng Tây Nguyên,...), v.v.

 

Hiện tại, ở các vùng có cồng chiêng như ở Tây nguyên, Lễ hội Cồng chiêng được tổ chức hàng năm là một hoạt động vừa có ý nghĩa bảo tồn bản sắc văn hóa vừa là một sản phẩm du lịch ăn khách.

 

Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào ngày 15 tháng 11 năm 2005. Sau Nhã nhạc cung đình Huế, đây là di sản thứ hai của Việt Nam được nhận danh hiệu này.

 

3/ Dân ca quan họ

 

Còn được gọi là dân ca quan họ Bắc Ninh hay dân ca quan họ Kinh Bắc là những làn điệu dân ca của vùng đồng bằng Bắc Bộ, Việt Nam; tập trung ở vùng văn hóa Kinh Bắc - tức tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Tên gọi Quan họ Bắc Ninh có nghĩa tỉnh Bắc Ninh là chủ thể chính của thể loại dân ca này, Bắc Ninh hay Kinh Bắc được hiểu là tỉnh Bắc Ninh cũ từ năm 1831 tới năm 1962, thuộc tỉnh Hà Bắc từ năm 1962 đến 1995, và từ cuối năm 1995 đến nay sau khi Bắc Ninh tách khỏi Hà Bắc vào ngày 10/10/1995.

 

Nguồn gốc của Quan họ Bắc Ninh ở Võ Cường, đây là nơi duy nhất của Bắc Ninh có 5/5 làng Quan họ gốc: Bồ Sơn, Hòa Đình, Khả Lễ, Xuân Ổ A, Xuân Ổ B. Theo các nhà nghiên cứu, tên gọi di sản này có thể thay đổi theo thời gian, do các chủ thể văn hóa tạo ra.

 

Ngày 30 tháng 9 năm 2009, tại kỳ họp lần thứ 4 của Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (từ ngày 28 tháng 9 tới ngày 2 tháng 10 năm 2009), quan họ đã được công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại sau nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên và cùng đợt với ca trù.

 

4/ Ca Trù

 

Hát ca trù hay hát ả đào là một bộ môn nghệ thuật truyền thống ở phía Bắc Việt Nam kết hợp hát cùng một số nhạc cụ dân tộc. Ca trù thịnh hành từ thế kỷ 15, từng là một loại ca trong cung đình và được giới quý tộc và trí thức yêu thích. Ca trù là một sự phối hợp nhuần nhuyễn và đỉnh cao giữa thi ca và âm nhạc.

 

Ngày 1 tháng 10 năm 2009, tại kỳ họp lần thứ 4 của Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (từ ngày 28 tháng 9 tới ngày 2 tháng 10 năm 2009), ca trù đã được công nhận là di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là di sản văn hóa thế giới có vùng ảnh hưởng lớn nhất Việt Nam, có phạm vi tới 15 tỉnh, thành phố phía Bắc. Hồ sơ đề cử Ca trù là di sản văn hóa thế giới với không gian văn hóa Ca trù trải dài khắp 15 tỉnh phía Bắc gồm: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.

 

Một chầu hát ca trù cần có ba thành phần chính:

 

+ Một nữ ca sĩ (gọi là "đào" hay "ca nương") sử dụng bộ phách gõ lấy nhịp,

 

+ Một nhạc công nam giới (gọi là "kép") chơi đàn đáy phụ họa theo tiếng hát

 

+ Người thưởng ngoạn (gọi là "quan viên", thường là tác giả bài hát) đánh trống chầu chấm câu và biểu lộ chỗ đắc ý bằng tiếng trống.

 

Vì là nghệ thuật âm nhạc thính phòng, không gian trình diễn ca trù có phạm vi tương đối nhỏ. Đào hát ngồi trên chiếu ở giữa. Kép và quan viên ngồi chếch sang hai bên. Khi bài hát được sáng tác và trình diễn ngay tại chỗ thì gọi là "tức tịch," nghĩa là "ngay ở chiếu."

 

5/ Hội Gióng

 

Hội Gióng là một lễ hội văn hóa cổ truyền mô phỏng một cách sinh động và khoa học diễn biến các trận đấu của thánh Gióng và nhân dân Văn Lang với giặc Ân. Thông qua đó có thể nâng cao nhận thức cộng đồng về các hình thức chiến tranh bộ lạc thời cổ xưa và liên tưởng tới bản chất tất thắng của cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện trong sự nghiệp giải phóng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, hội Gióng ở Sóc Sơn (nơi thánh Gióng bay về trời) và hội Gióng ở xã Phù Đổng(nơi sinh ra thánh Gióng) có ý nghĩa và hoàn chỉnh hơn những nơi khác, từ ý tứ truyền thuyết đến nghệ thuật diễn xướng. Những nghi thức được quan tâm, chứa đựng trong nó sự huyền bí và sức sống của một huyền thoại gắn liền với lòng tự chủ dân tộc của người Việt Nam.

 

Hàng năm, Hội Gióng chính thống được tổ chức vào ngày mùng 8 và ngày 9 tháng 4 âm lịch tại đền Phù Đổng và các vùng lân cận. Hội Gióng được nhiều nhà nghiên cứu văn hoá nhận định, hội như một bảo tàng sống về tín ngưỡng dân gian và nghệ thuật trình diễn được gìn giữ nguyên trạng qua nhiều thế hệ. Ở Hội Gióng những phong tục, những nghi thức trong lễ hội ẩn chứa cả hệ tư tưởng đạo lý và triết học, đó còn là khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc mãi được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ sau với ngàn năm lịch sử.

 

Theo UBND thành phố Hà Nội, lúc 18h20 ngày 16/11/2010 (tức 22h20 giờ Việt Nam), tại thành phố Nairobi, thủ đô củaKenya, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã công nhận lễ hội Gióng ở đền Phù Đổng (Gia Lâm) và đền Sóc (huyện Sóc Sơn) là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và là một trong những tưởng niệm về Thánh Gióng

 

6/ Hát xoan

 

Hát Xoan là một di sản văn hóa phi vật thể quý giá của vùng đất Tổ Hùng Vương. Hát Xoan Phú Thọ thuộc loại hình dân ca lễ nghi phong tục, là hát cửa đình, hội tụ đa yếu tố nghệ thuật như nhạc, hát, múa... Nguồn gốc của Hát Xoan gắn với những giai thoại của thời đại Vua Hùng dựng nước. Các làng xoan gốc đều là những ngôi làng cổ nằm trên địa bàn trung tâm nước Văn Lang, vì vậy hát xoan còn bảo lưu được nhiều yếu tố văn hóa cổ của thời đại bình minh dựng nước...

 

Gốc của hát xoan ở vùng Phú Thọ, sau lan tỏa tới các làng quê đôi bờ sông Lô, sông Hồng, qua cả tỉnh Vĩnh Phúc. Bốn phường xoan cổ là An Thái, Phù Đức, Kim Đới và Thét nằm ở hai xã Kim Đức và Phương Lâu (Phú Thọ) từ xưa được cộng đồng của 30 làng, 18 xã của tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc mời đến biểu diễn. Vì thế hát xoan mới ghi dấu tại nhiều làng quê ngoài vùng Phú Thọ và Vĩnh Phúc.

 

Theo khảo sát của tỉnh Phú Thọ, hiện còn khoảng 70 nghệ nhân hát xoan, nhưng chỉ có khoảng 10 người có khả năng truyền dạy, toàn tỉnh có khoảng gần 100 người tham gia các phường xoan, nhưng chỉ khoảng 50 người biết hát. Các di tích như đình, miếu, nơi diễn ra các sinh hoạt hát xoan từ xa xưa nay chỉ còn khoảng hơn 10 di tích.

 

Ngày 24/11/2011, Hát Xoan được Unesco chính thức công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.

 

7/ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương:

 

“Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý, truyền thống của người Việt Nam , thể hiện lòng biết ơn ân đức của tổ tiên trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Dù làm gì, ở đâu, mỗi người con đất Việt đều hướng về cội nguồn, tổ tiên với lòng thành kính tri ân.

 

Thờ cúng các vua Hùng không chỉ là hoạt động tâm linh, cầu mưa thuận gió hòa, đất nước yên vui, thịnh vượng mà còn có ý nghĩa sâu xa nhắc nhở kết nối, củng cố tình đoàn kết, yêu thương đùm bọc lẫn nhau của cộng đồng dân tộc Việt Nam - những người cùng chung một cội nguồn. Vì vậy, trải qua lịch sử hàng ngàn năm, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vẫn được bền bỉ trao truyền qua thế hệ này đến thế hệ khác, góp phần hun đúc tâm hồn, tình cảm, ý chí của cả dân tộc Việt Nam. Đây chính là nguồn gốc tạo nên sức mạnh để dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn thử thách trường tồn và không ngừng phát triển

 

 Ngày giỗ tổ Hùng Vương đã được công nhận là một trong những ngày quốc lễ của Việt Nam thể hiện rõ đạo lý "uống nước nhớ nguồn" hay "ăn quả nhớ kẻ trồng cây" như một tinh thần văn hóa Việt Nam. Từ năm 2007, ngày giỗ Tổ Hùng Vương được Nhà nước qui định là ngày lễ trọng, cho phép cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ lễ.

 

Lịch sử như một dòng chảy liên tục. Trải mấy nghìn năm, trước bao biến động thăng trầm, trong tâm thức của cả dân tộc, Đền Hùng vẫn là nơi của bốn phương tụ hội, nơi con cháu phụng thờ công đức Tổ tiên. Đền Hùng là một di tích vô giá của nhân dân Việt Nam. Đây là biểu tượng của tổ tiên dân tộc Việt Nam - một dân tộc đã có truyền thống dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm.

 

Giỗ Tổ Hùng Vương của Việt Nam có sức lan tỏa rộng lớn trên thế giới. Đúng 18 giờ 9 phút (giờ Việt Nam, tức 12 giờ 9 phút giờ Paris, ngày 06/12/2012), tại kỳ họp lần thứ 7, Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đã chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Quyết định của UNESCO nêu rõ: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” thể hiện lòng tôn kính đối với các bậc tổ tiên và từ đó nâng lên lòng tự hào dân tộc và gắn kết cộng đồng”

 

Bạn yêu thích loại hình di sản văn hóa nào? Hãy bình luận ở dưới nhé!

Mẹ Cu Mít
TAGS:

Chủ đề HOT

Có thể bạn thích

Gợi ý bạn đọc

Chuyên Mục