Làm sao để đưa âm nhạc hàn lâm đến gần hơn với công chúng

0/5 (0) Bình chọn

Thứ sáu, 23/09/2022 08:09

     Làm sao để đưa âm nhạc hàn lâm đến gần hơn với công chúng

 

 

Việc duy trì sức hút, để khán giả ngày càng dễ tiếp cận, hiểu và yêu thích nghệ thuật hàn lâm vẫn luôn là đề tài khiến những người làm nghệ thuật trăn trở.

 

 

Liên hoan Nghệ thuật giao hưởng, nhạc-vũ kịch “Giai điệu mùa Thu” lần thứ 13 vừa khép lại thành công với những buổi biểu diễn “cháy vé” cùng sự quan tâm của đông đảo khán giả, mang đến nhiều tín hiệu tích cực cho sự phát triển của âm nhạc hàn lâm tại Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Tuy nhiên, việc duy trì sức hút, để khán giả ngày càng dễ tiếp cận, hiểu và yêu thích nghệ thuật hàn lâm vẫn luôn là đề tài gây nhiều trăn trở.

 

Tạo môi trường thưởng thức âm nhạc hàn lâm

 

Trước đây, vào mỗi dịp Liên hoan “Giai điệu mùa Thu” được tổ chức, người dân, du khách và giới nghệ sỹ yêu mến nghệ thuật hàn lâm lại có cơ hội đắm mình trong âm nhạc cùng những vở thanh xướng kịch đặc sắc.

 

Đến nay, Liên hoan đã được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chọn là một trong 19 sự kiện văn hóa nghệ thuật tiêu biểu của thành phố.

 

Trái ngược với việc được chào đón nồng nhiệt, một số khán giả cho rằng, dòng nhạc hàn lâm mang tính bác học và khó hiểu. Điều này đã phần nào đưa công chúng, nhất là người trẻ dần rời xa dòng nhạc này.

 

Xét trên mặt bằng âm nhạc Việt Nam nói chung, âm nhạc hàn lâm đang ở thế "lép vế" hơn hẳn so với âm nhạc đại chúng.

 

Điều đó thể hiện rõ khi những liveshow âm nhạc giải trí thường cháy vé, trong khi những buổi hòa nhạc thính phòng hầu như không được công chúng biết đến và chỉ có cơ hội diễn ra trong những dịp kỷ niệm đặc biệt.

 

Nhằm góp phần xóa bỏ định kiến của công chúng với âm nhạc hàn lâm, không ít chương trình, dự án âm nhạc hàn lâm đã được tổ chức tại không gian các nhà hát, không gian mở với nhiều hình thức hấp dẫn nhằm kết nối âm nhạc với khán giả như Chương trình hòa nhạc đặc biệt “Hòa nhạc mùa Xuân,” vở “Múa đương đại café Sài Gòn” của đoàn nghệ sỹ tới từ Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh (HBSO); Đêm nhạc mang tên “The Recital: Thế Huy, Tenor” của ca sỹ opera Thế Huy.

 

Dù không có được một sân khấu hoành tráng, hệ thống âm thanh, cách âm đúng chuẩn của những nhà hát lớn nhưng ca sỹ Thế Huy - với câu chuyện và năng lực cá nhân - vẫn chinh phục được khán giả.

 

Theo ca sỹ Thế Huy, không chỉ anh mà nhiều người trẻ khác đam mê âm nhạc hàn lâm vẫn đang tìm cách để đưa âm nhạc mặc định là “kén tai” này đến gần hơn với khán giả đại chúng. Từ những đêm diễn nhỏ, những hạt mầm yêu thích nhạc cổ điển sẽ được gieo xuống.

 

Đêm nhạc Thế Huy tổ chức tương tự hình thức của Salon âm nhạc thính phòng mà nhạc sỹ Dương Thụ - một người nổi danh với loạt tình khúc nhẹ nhàng, êm ái từ thập niên 1990 - đã làm nhiều năm qua.

 

Với nhạc sỹ Dương Thụ, âm nhạc không nên vạch ra những giới hạn trong cách tiếp cận, mà nên tìm hình thức phù hợp nhất, hiệu quả nhất để đến với khán giả. Từ việc bắt đầu nghe mới đi đến các bước tiếp theo của hiểu, biết, thích và yêu.

 

Nhạc sỹ cho rằng điều quan trọng nhất là tạo được môi trường để dòng nhạc này có cơ hội phát triển. Ngoài việc khuyến khích thành lập các dàn nhạc giao hưởng trẻ dưới sự dẫn dắt của những nghệ sỹ có chuyên môn, thành phố cần tạo nhiều sân chơi bổ ích dành riêng cho âm nhạc hàn lâm để vừa tạo phong trào giúp định hình tình yêu âm nhạc hàn lâm nơi giới trẻ, vừa định hướng thẩm mỹ thưởng thức nghệ thuật.

 

Bên cạnh đó, các nghệ sỹ nên kết hợp giữa dân ca Việt Nam và nhạc thính phòng. Ngoài làn điệu dân ca, những thể loại âm nhạc khác như một số ca khúc nổi tiếng cũng có thể phối theo dàn nhạc giao hưởng.

 

Việc thính phòng hóa các giai điệu quen thuộc của nhạc Việt giúp tạo ra hướng mới cho tác phẩm, vừa dễ tiếp cận khán giả, vừa giới thiệu được văn hóa.

 

Xây dựng điểm hẹn âm nhạc hàn lâm đặc sắc

 

Để xây dựng cộng đồng khán giả yêu âm nhạc hàn lâm, nhạc sỹ Trần Mạnh Hùng, một trong những nhạc sỹ chuyên sáng tác cho dàn nhạc giao hưởng thính phòng hàng đầu Việt Nam, cho rằng cần tạo môi trường thưởng thức âm nhạc thường xuyên cho công chúng; đặc biệt là giới trẻ, cho các em trải nghiệm dần từ bé, xen kẽ học kiến thức với thưởng thức âm nhạc. Khi các em được dạy để biết thưởng thức, chỉ cần 10 năm, đất nước sẽ có được những thế hệ công chúng hiểu và trân trọng âm nhạc hàn lâm.

 

Theo nhạc sỹ Trần Mạnh Hùng, cần xây dựng các chương trình phục vụ cho người dân Việt Nam phù hợp tâm lý, mang đậm bản sắc hoặc Việt Nam hóa các chương trình hòa nhạc để thu hút du khách; qua đó lan tỏa các thông điệp về âm nhạc.

 

Từng là giảng viên môn chỉ huy và các môn kiến thức âm nhạc tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp của Việt Nam từ năm 1990 đến nay, Nghệ sỹ Ưu tú Hoàng Điệp cho biết với âm nhạc, chưa cần hiểu thấu đáo, người nghe vẫn có thể cảm nhận được. Việc cảm nhận đóng vai trò quan trọng hơn việc thấu hiểu nội dung.

 

Do đó, bên cạnh việc đẩy mạnh truyền thông, thay đổi cách tiếp cận, theo Nghệ sỹ Ưu tú Hoàng Điệp, Thành phố Hồ Chí Minh cần có thêm nhiều chương trình theo mô hình “pop classic” của Anh, dễ nghe, phù hợp thị hiếu.

 

Nhận định âm nhạc hàn lâm là ngôn ngữ quốc tế để tiếp cận và giao lưu văn hóa giữa các quốc gia, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết ngay từ năm đầu tiên được tổ chức, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố đã xác định mục tiêu phải xây dựng “Giai điệu mùa Thu” trở thành thương hiệu của địa phương. Từ đây, âm nhạc hàn lâm sẽ được lan tỏa nhiều hơn tới người dân ở một đô thị văn minh, giàu bản sắc. Từ đó, thành phố sẽ được biết đến như một điểm hẹn của âm nhạc hàn lâm đặc sắc tại Việt Nam.

 

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, thời gian tới, Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh cần làm việc với các đơn vị giáo dục, đơn cử như Nhạc viện Thành phố để nâng cao năng lực hiện có. Qua đó, cung cấp nguồn nhân lực trẻ cho nghệ thuật Thành phố.

 

Các cơ sở giáo dục cần có những giải pháp để đào tạo được thế hệ khán giả có hiểu biết cơ bản, yêu nghệ thuật hàn lâm.

 

Ngoài ra, sự đầu tư về chất lượng từng đêm diễn, quy mô và kịch bản chương trình nghệ thuật cần được các đơn vị quan tâm.

 

Ngay thời điểm khán giả yêu thích nhạc hàn lâm ngày càng tăng, địa phương cần có các giải pháp căn cơ, quyết liệt để đến gần hơn mục tiêu đưa nhạc giao hưởng trở thành thương hiệu của Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Nhạc trưởng Lê Ha My, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ các nghệ sỹ rất hạnh phúc nếu mang được loại hình âm nhạc này đến trường học với nhiều quy mô khác nhau... Để làm được điều này, Nhà hát cần sắp xếp lịch trình, xây dựng lộ trình và kế hoạch phù hợp cùng với sự đồng hành của các ban, ngành, lãnh đạo.

 

Thực tế cho thấy hiện nhiều chương trình âm nhạc hàn lâm đã tiếp cận cộng đồng ở các buổi biểu diễn công cộng, thu hút sự theo dõi, hưởng ứng của đông đảo khán giả. Điều này đang mang đến nhiều hy vọng cho âm nhạc hàn lâm của Thành phố Hồ Chí Minh.

 

 

Việc tìm vị trí xứng đáng cho dòng nhạc này cũng chính là cách để âm nhạc Việt Nam có thể vươn cao, vươn xa; từ đó, khẳng định vị thế trong dòng chảy âm nhạc thế giới. Chúng ta hãy chung tay để đưa nền nhạc này đến gần hơn với công chúng!

Mẹ Cu Mít

Chủ đề HOT

Có thể bạn thích

Gợi ý bạn đọc

Chuyên Mục